Những thông số kích thước xe ô tô cơ bản người mới cần hiểu rõ

Thông số kích thước xe là một trong những yếu tố hàng đầu được người dùng quan tâm đến khi mua xe ô tô. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể hiểu rõ ý nghĩa của những thông số này. Đối với những bác mua xe lần đầu, đây là những thông số cơ bản các bác cần quan tâm và hiểu rõ.

Kích thước xe tổng thể Dài – Rộng – Cao (DxRxC)

Chiều dài, chiều rộng và chiều cao tổng thể xe được đo như thế nào?​

Đây là 3 thông số kích thước luôn được đề cập trên bất kỳ một mẫu xe ô tô thương mại nào. Các thông số kích thước tổng thể xe được đo như hình minh họa bên dưới.

dai rong cao

Chiều rộng tổng thể xe có tính luôn gương chiếu hậu 2 bên không?​

Chiều rộng tổng thể xe có tính luôn cả gương. Đa số các hãng khi cung cấp thông tin về kích thước chi tiết xe luôn cung cấp 2 thông số chiều rộng tổng thể: 1 tính cả gương và 1 không tính. Ví dụ như Audi A3 Sportback cung cấp đồng thời 2 thông số chiều rông tổng thể.

mycar-chieurong

Chiều dài, chiều rộng và chiều cao tổng thể ảnh hưởng thế nào đến khả năng vận hành của xe? Vì sao siêu xe và xe thể thao thường làm gầm thấp?

Trên thực tế, kích thước DxRxC của một chiếc ô tô không chỉ đơn thuần thể hiện sự lớn/nhỏ của xe mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả vận hành của chúng.

Chiều dài của xe tỉ lệ nghịch với khả năng di chuyển linh hoạt. Xe có chiều dài càng nhỏ thì càng dễ di chuyển ở những cung đường nhỏ hẹp như đường đô thị Việt Nam, kể cả xoay đầu xe.

Chiều rộng tỉ lệ thuận với không gian nội thất. Xe có chiều rộng càng lớn thì không gian nội thất và khoang chứa hành lý càng rộng rãi hơn.

Chiều cao của xe liên quan đến sức cản của gió, luồng khí đi qua gầm xe nên nó tỉ lệ nghịch với khí động học của xe. Nghĩa là nếu xe càng cao thì tính động học càng giảm do sức cản của không khí qua gầm xe lớn.

Điều này lý giải vì sao siêu xe hay xe thể thao thường có thiết kế thấp và hạ gầm sát đất nhằm tăng lực ép lên mặt đường, tăng hiệu quả khí động học khi di chuyển ở tốc độ cao.

Kích thước xe 7 chỗ​

Hiện nay, các mẫu xe 7 chỗ được thiết kế dành cho các dòng xe SUV, MPV và Crossover và được chia nhỏ theo từng phân khúc có chiều dài x rộng x cao:

Kích thước xe 7 chỗ như sau:

  • Xe hạng A: từ 4600 x 1700 x 1750 đến 4700 x 1750 x 11750 (mm)
  • Xe hạng B: từ 4700 x 1760 x 1750 đến 4850 x 1750 x 1850 (mm)
  • Xe hạng C: từ 4850 x 1800 x 1550 đến 4900 x 1800 x 1850 (mm)
  • Xe hạng D: từ 4900 x 1850 x 1850 tới 4950 x 1900 x 1900 (mm)

Kích thước xe Fortuner là bao nhiêu?​

Toyota Fortuner là mẫu xe thuộc phân khúc SUV tầm trung 7 chỗ với kích thước tổng thể của xe dài x rộng x cao là 4.795 x 1.855 x 1.835 (mm), chiều dài cơ sở 2.745 (mm).

Kích thước xe VinFast Lux SA 2.0 là bao nhiêu?

Ở phân khúc SUV 7 chỗ, Lux SA 2.0 sở hữu kích thước tổng thể (dài x rộng x cao): 4.940 x 1.960 x 1.773 (mm), chiều dài cơ sở 2.933 mm

Kích thước xe Innova là bao nhiêu?​

Kích thước tổng thể dài x rộng x cao của mẫu xe Toyota Innova 2021 hiện nay là 4735 x 1830 x 1795 (mm), chiều dài cơ sở là 2.750 (mm), khoảng sáng gầm xe là 178 (mm), bán kính vòng quay tối thiểu là 5,4 (m).

Kích thước xe bán tải là bao nhiêu?​

Kích thước xe bán tải Ford Ranger (mm): 5.351 x 1.850 x 1.821
Kích thước xe bán tải Toyota Hilux (mm): 5.330 x 1.855 x 1.815
Kích thước xe bán tải Mazda BT-50 (mm): 5.365 x 1.850 x 1.821
Kích thước xe bán tải Mitsubishi Triton (mm): 5.280 x 1.815 x 1.780
Kích thước xe bán tải Nissan Navara (mm): 5.255 x 1.850 x 1.840

Ngoài các thông số kích thước trên, người dùng khi mua bán tải cũng quan tâm nhiều đến kích thước thùng xe bán tải.

kich thuoc ban tai

Chiều dài cơ sở xe ô tô là gì?

Chiều dài cơ sở hay còn gọi là chiều dài trục cơ sở là khoảng cách đo được từ tâm bánh trước đến tâm bánh sau.

Chiều dài cơ sở của một chiếc ô tô sẽ cho biết một cách tương đối độ lớn của khoang cabin bên trong. Trục cơ sở của một chiếc xe càng lớn thì kích thước khoang hành khách càng lớn.

Vì lý do này mà chiều dài cơ sở là một trong những yếu tố được nhiều khách hàng quan tâm khi chọn mua xe. Nhất là các dòng xe gia đình như CUV hay SUV.

mycars-chieu-dai-co-so

Chiều rộng cơ sở xe ô tô là gì?

Chiều rộng cơ sở của xe ô tô là khoảng cách đo được từ tâm lốp xe bên trái đến tâm lốp xe bên phải. Chiều rộng cơ sở càng lớn thì tính ổn định xe càng cao, dễ điều khiển nhưng lại bị hạn chế về khả năng di chuyển các cung đường nhỏ, hẹp.

mycars-chieu-rong-soso

Dung tích khoang hành lý​

Dung tích khoang hành lý thường được tính bằng lít, cho biết sức chứa hoàng hóa của khoang sau cốp xe, không liên quan đến tải trọng. Thông thường các mẫu SUV hay MPV sẽ cung cấp thông số về dung tích khoang hành lý khi dựng đủ các hàng ghế và khi gập hàng ghế 2,3.

SUV 5 chỗ có khoang hành lý lớn nhất năm 2021?​

Theo US News, Subaru Forester 2021 là SUV cỡ nhỏ có khoang hành lý lớn nhất. Khi gập hàng ghế sau, sức chứa của nó có thể đạt 2.155 lít.

Dung tích bình nhiên liệu​

Dung tích bình nhiên liệu trung bình của ô tô ngày này khoảng 45-70 lít. Một số mẫu xe cỡ lớn, thiết kế đặc dụng có thể cao hơn. 

Ngoài bình chính, một số xe có bình nhiên liệu thứ cấp, hay còn gọi là bình dự trữ. Chẳng hạn dòng Lexus LX570, Toyota Land Cruiser… có bình chính 93 lít, kèm bình phụ 45 lít.

Nên đổ bình nhiên liệu đầy đến mức nào?

Chúng ta có thể đổ 60 lít xăng vào xe có thông số 55 lít. Đó là vì thực tế vẫn cần thêm khoảng trống cho không khí bên trong để bình không bị khóa khí. Ngoài ra, xăng cũng cần không gian để giãn nở, đặc biệt khi thời tiết nắng nóng hoặc động cơ hoạt động cường độ cao.

Nếu dung tích bình nhiên liệu của xe là 60 lít, kim báo về mức E (sắp hết) thì thực tế vẫn còn 5-10 lít để đến trạm xăng gần nhất.

Bán kính vòng quay tối thiểu là gì?​

Bán kính vòng quay tối thiểu được đo bằng cách cho xe quay vòng tròn tại chỗ, sau đó tính khoảng cách từ tâm vòng tròn đến bánh xe ngoài cùng. Bán kính vòng quay tối thiểu cho biết khoảng cách tối thiểu một chiếc xe cần để quay đầu lại mà không cần vào số lùi.

Bán kính vòng quay tối thiểu càng nhỏ thì khả năng xe xoay trở trong các đoạn đường hẹp, hoặc đường đô thị càng tốt.

bankinhvongquaytoithieu

Khoảng sáng gầm xe

Khoảng sáng gầm được tính từ điểm thấp nhất của gầm xe đến mặt đất. Khoảng sáng gầm càng lớn thì xe càng dễ di chuyển trên các cung đường gập ghềnh, sỏi đá mà ít có nguy cơ va đập gầm hơn. trong đô thị thì khả năng leo lề cũng dễ hơn.

Góc tiếp cận, góc thoát, góc vượt đỉnh dốc

Đây là 3 thông số luôn được đề cập chung với nhau nhất là ở các dòng SUV địa hình và bán tải. Các góc trên dùng để đánh giá khả năng vượt địa hình và chướng ngại vật của xe, phụ thuộc vào khoảng sáng gầm và chiều dài cơ sở.

mycars-goc-tiepcan

Góc tiếp cận (góc tới) là góc lớn nhất giúp xe có thể vượt chướng ngại vật mà không bị chạm đầu xe. Góc tiếp cận được tạo thành giữa mặt dưới của cản trước và bánh xe.

Góc thoát là góc lớn nhất giúp xe có thể rời chướng ngại vật mà không bị chạm phần đuôi. Góc thoát được tạo thành giữa mặt dưới cản sau và bánh xe.

Hầu hết, các xe off-road đều có góc tới và góc thoát trên 25 độ. Các góc này càng lớn thì khả năng tiếp cận và rời chướng ngại vật càng cao.

Góc vượt đỉnh dốc là góc lớn nhất mà xe có thể leo qua chướng ngại vật mà không bị chạm phần giữa gầm (như hình). Góc vượt đỉnh dốc phụ thuộc vào khoảng sáng gầm và chiều dài cơ sở.

Cùng một khoảng sáng gầm, xe có chiều dài cơ sở ngắn hơn sẽ có góc vượt đỉnh dốc lớn hơn và khả năng leo qua chướng ngại vật cũng tốt hơn.

Trọng lượng xe​

Trọng lượng xe không tải (Curb Weight) là gì?​

Trọng lượng xe không tải được định nghĩa là tổng trọng lượng của xe bao gồm tất cả các thiết bị, chi tiết máy lắp đặt ở nhà máy và các dung dịch giúp xe vận hành như dầu làm mát, dầu động cơ, môi chất lạnh, bình xăng đầy 90%.

Trọng lượng không tải có tính người, hàng hóa không?​

Trọng lượng không tải không bao gồm bất kỳ hành khách hoặc hàng hóa trên xe.

Tuy nhiên theo các cơ quan quản lý của chính phủ như Liên minh châu Âu, bên cạnh tất cả những thứ được đề cập ở trên, trọng lượng xe không tải cũng bao gồm trọng lượng của người lái xe nặng 75 kg để tuân theo Chỉ thị 95/48 / EC của Châu Âu.

Các mức nhiên liệu hay dầu trên xe cũng được giới hạn cố định nhằm so sánh với các mẫu xe khác.

Trọng lượng toàn tải (GVW) là gì?​

Trọng lượng toàn tải của một xe sẽ bao gồm khối lượng tất cả các bộ phận của xe và tất cả mọi thứ bên trong nó bao gồm cả hàng hóa và hành khách.

Mặt khác, trọng lượng toàn tải cho biết khối lượng lớn nhất mà ô tô có thể mang theo. Số được chỉ định bởi nhà sản xuất và nó không thay đổi trong bất kỳ trường hợp nào. Nó bao gồm trọng lượng của xe, người lái, hành khách, hàng hóa, nhiên liệu và những thứ khác.

Nắm chính xác trọng lượng toàn tải xe rất quan trọng, đặc biệt đối với những người lái xe vận chuyển hàng hóa nặng và lái xe trong các khu vực nhạy cảm. Thiệt hại về động cơ và người có thể xảy ra nếu mang nhiều tải trọng hơn trọng lượng mà chiếc xe được đánh giá.

Trọng lượng tải hàng là gì?

Thông số này được đề cập nhiều nhất khi nói về các dòng xe bán tải, xe tải và xe chở hàng nói chung. Trọng lượng tải hàng cho biết khối lượng hàng hóa mà xe có thể chở được mà vẫn đảm bảo xe vận hành an toàn và bình thường.

Quy định về kích thước giới hạn khi xếp hàng hóa trên xe?​

Điều 18 Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT quy định về chiều cao xếp hàng hoá trên phương tiện giao thông đường bộ, cụ thể:

- Đối với xe tải thùng hở có mui, chiều cao xếp hàng hóa cho phép là chiều cao giới hạn trong phạm vi thùng xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Đối với xe tải thùng hở không mui, hàng hóa xếp trên xe vượt quá chiều cao của thùng xe phải được chằng buộc, kê, chèn chắc chắn đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ. Chiều cao xếp hàng hóa cho phép không vượt quá chiều cao quy định dưới đây, tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên:

+ Xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở từ 5 tấn trở lên (ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe): chiều cao xếp hàng hóa không quá 4,2 mét.

+ Xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở từ 2,5 tấn đến dưới 5 tấn (ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe): chiều cao xếp hàng hóa không quá 3,5 mét

+ Xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở dưới 2,5 tấn (ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe): chiều cao xếp hàng hóa không quá 2,8 mét.

- Xe chuyên dùng và xe chở container: chiều cao xếp hàng hóa tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên không quá 4,35 mét.

- Trường hợp xe chở hàng rời, vật liệu xây dựng như đất, đá, cát, sỏi, than, quặng hoặc các hàng có tính chất tương tự, chiều cao xếp hàng hóa không vượt quá chiều cao của thùng xe ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe.

Đường kính la zăng (mâm xe)​

La zăng hay còn gọi là mâm xe trên thị trường hiện nay làm từ nhiều chất liệu như carbon, sắt, thép hoặc hợp kim nhôm với nhiều kiểu dáng đa dạng khác nhau.

Kích thước la zăng là thông số cũng được nhiều người dùng quan tâm. Biết được thông số la zăng xe sẽ giúp việc thay thế mâm xe mới hoặc độ xe dễ dàng hơn. Các mâm lớn hơn thường được đánh giá là đẹp mắt hơn và chịu tải tốt hơn.

Ví dụ, khi nói Kia Morning 2021 sử dụng bộ mâm 15 inch nghĩa là la zăng của Kia Morning có đường kính 15 icnh.

Thông số lốp​

Cách đọc thông số lốp xe ô tô​

Một chiếc lốp có thể sẽ được ký hiệu nhiều thông số bên trên nhưng nhìn chung chỉ có những thông số lốp sau mà người dùng xe ô tô nên hiểu rõ. Dưới đây là cách đọc thông số lốp theo hướng dẫn của BridgestoneVN.

mycars-thongsolop

Giải thích các ký hiệu thông số lốp xe​

Chữ cái P và LT

Với hầu hết loại xe, ta sẽ thấy chữ cái “P” ở đầu dãy. “P” là viết tắt của “P-metric” được quy định cho “lốp xe dành cho xe du lịch” bởi Tổ chức lốp và mâm xe Mỹ. Điều này có nghĩa là lốp được thiết kế chủ yếu cho xe chở khách, bao gồm xe du lịch, minivan, SUV và các xe bán tải khác.

Nếu thấy chữ “LT” thay vì “P”, có nghĩa là lốp dành cho “xe tải nhẹ” – “LT” là viết tắt cho “LT-metric” được Tổ chức lốp và mâm xe Mỹ quy định cho “xe tải nhẹ”. Lốp xe tải nhẹ được thiết kế cho các xe chở hàng nặng hoặc xe kéo.

Tương tự, “T” có nghĩa “tạm thời” và dành cho các lốp dự phòng. Nếu bạn thấy “ST”, nghĩa là “xe moóc chuyên dụng.”

Độ rộng bề mặt lốp

Số đầu tiên trong dãy thông tin kích thước lốp là độ rộng bề mặt lốp của loại lốp phù hợp với chiếc xe, tính theo đơn vị milimet. Độ rộng bề mặt lốp luôn là khoảng cách giữa 2 thành lốp. .

Tỷ số giữa độ cao thành lốp và độ rộng bề mặt lốp

Sau dấu gạch chéo, số tiếp theo thể hiện tỷ số giữa độ cao của thành lốp và độ rộng bề mặt lốp, về cơ bản sẽ cho biết bề dày của lốp. Tỷ số này được tính bằng phần trăm (%).

Các nhà sản xuất lốp tính toán tỉ lệ bằng cách lấy độ cao thành lốp chia độ rộng bề mặt lốp. Nếu lốp xe có tỷ số là 70, thì bề dày của lốp bằng 70% độ rộng bề mặt lốp.

Các lốp có tỷ số thấp hơn, như dòng 60, thường có lợi thế đem lại cho xe khả năng xử lí tốt hơn các lốp có tỷ số cao hơn, như dòng 75.

Cấu trúc lốp

Tiếp sau tỷ số là chữ cái thể hiện cấu trúc bên trong của lốp. Có hai dạng cấu trúc lốp có thể thấy trên thành lốp là:

R – Radial
D – Diagonal hoặc Bias Ply

Lốp Radial là loại lốp thông dụng nhất tại Việt Nam hiện nay; vì vậy “R” thường được thấy trên thông tin kích thước lốp. Cấu trúc lốp Radial gồm các sợi mành chạy song song nhau và hướng vào tâm, từ mép này đến mép kia, vuông góc với trục xoay.

Đường kính mâm xe

Số tiếp theo là đường kính của vành bánh xe vừa vặn với lốp, được tính theo đơn vị inch.

Chỉ số tải trọng

Chỉ số tiếp theo trong dãy là chỉ số tải trọng của lốp xe, cho chúng ta biết khối lượng mà lốp xe có thể tải khi bơm căng, tính bằng pound.

Chúng ta gọi là “chỉ số” tải trọng vì con số này không tự mình thể hiện khối lượng mà lốp xe có thể tải. Con số này tương ứng với khối lượng tải cụ thể được liệt kê trong chỉ mục. Bắt đầu từ 1 kết thúc ở 150, thể hiện khả năng tải từ 99 đến 7385 lbs.

Chỉ số tốc độ

Chỉ số cuối cùng trong dãy thông tin kích thước lốp xe là chỉ số tốc độ, được thể hiện bằng chữ cái. Giống như chỉ số tải trọng tương ứng với khối lượng tải cụ thể, thì chữ cái chỉ số tốc độ sẽ tương ứng với tốc độ tối đa dựa trên những bài kiểm tra theo tiêu chuẩn.

Ví dụ, lốp xe có chỉ số tốc độ “S” sẽ chịu được tốc độ đến 112 mph, trong khi lốp xe có chỉ số “R” thì chịu được tốc độ đến 106 mph. Lưu ý, đây không phải là tốc độ lái được khuyến cáo. g.

Lốp xe với chỉ số tốc độ cao thường mang lại khả năng vận hành được cải thiện. Lốp xe dự phòng phải có chỉ số tốc độ bằng hoặc cao hơn lốp đang sử dụng để có thể duy trì tốc độ xe. Nếu xe trang bị nhiều loại lốp khác nhau với chỉ số tốc độ khác nhau, thì chỉ số tốc độ nhỏ nhất sẽ là tốc độ tối đa mà xe nên chạy.

Nguon: otosaigon.com/threads/nhung-thong-so-kich-thuoc-xe-o-to-co-ban-nguoi-moi-can-hieu-ro.9025675/

Bài viết tương tự

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *