Mua được xe gầm cao nào tại Việt Nam với 700 triệu trong tay

Xu hướng chuyển dịch từ xe gầm thấp lên xe gầm cao của người Việt đang ngày càng rõ nét. Bằng chứng là hàng loạt mẫu xe crossover đô thị mới thi nhau ra mắt và không ít cái tên trong số đó thường xuyên lọt top bán chạy.

xe 700 trieu

Phân khúc gầm cao CUV hay còn gọi là crossover hiện tại có khoảng 10 lựa chọn trải dài trong khoảng giá dao động từ 500 – 900 triệu đồng, bao gồm: Toyota Corolla Cross, Kia Seltos, Hyundai Kona, Honda HR-V, Ford EcoSport, Mazda CX-30, Mazda CX-3, MG ZS, Peugeot 2008…

Nếu chỉ tính loanh quanh 700 triệu đồng, người tiêu dùng cũng có tới 5 sự lựa chọn, bao gồm: Ford EcoSport phiên bản 1.0 Titanium (686 triệu đồng*), Hyundai Kona phiên bản 2.0 AT đặc biệt (699 triệu đồng*), Toyota Corolla Cross bản 1.8 G (720 triệu đồng*), Kia Seltos phiên bản 1.4 Premium (729 triệu đồng*) và Peugeot 2008 bản 1.2 Active (739 triệu đồng*).

Xét theo độ “hot” có lẽ Kia Seltos là cái tên gây được nhiều sự chú ý nhất của người tiêu dùng. Bằng chứng là ngay từ khi ra mắt cho tới nay, đại diện Hàn Quốc đã liên tục lọt top xe bán chạy nhiều tháng liên tiếp, mà gần đây nhất, Kia Seltos cũng đạt 1.318 xe bán ra xếp vị trí thứ 6 thị trường.

Ưu điểm của Kia Seltos là mới ra mắt, do đó xe được thừa hưởng thiết kế hiện đại đẹp mắt theo xu hướng trẻ trung, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam. Với mức giá 729 triệu đồng, người tiêu dùng có thể sở hữu phiên bản Premium cao cấp nhất của Kia Seltos, với hàng loạt những trang bị đáng tiền, như: bộ đèn pha-cos-sương mù full LED, ghế ngồi tích hợp tính năng làm mát lưng và cửa gió hàng ghế sau – cực kỳ hữu ích tại môi trường có điều kiện thời tiết nóng ẩm như Việt Nam…

Nhờ khối động cơ turbo đi kèm hộp số 7 cấp ly hợp kép, Kia Seltos có thể đạt mô-men xoắn tối đa lên tới 242 Nm và kết quả là xe sở hữu khả năng bứt tốc mạnh mẽ so với các đối thủ. Đây là một ưu điểm lớn và rất được lòng đối tượng khác hàng nam giới trẻ tuổi. Ngoài ra Kia Seltos cũng sở hữu kích thước được đánh giá là vừa đủ dùng cho những gia đình 4 người. Danh sách tuỳ chọn bao gồm: đèn viền nội thất, 6 loa giải trí, cửa sổ trời, màn hình 8 inch tích hợp Apple CarPlay… – đáp ứng tốt nhu cầu giải trí cơ bản của các hàng khách.

Điểm chưa thực sự thích hợp trên Kia Seltos có lẽ là 3 chế độ lái: Normal / Eco / Sport – đi kèm 3 chế độ địa hình: Snow / Mud / Sand – chưa phát huy được tác dụng khi chỉ được cấu hình với hệ dẫn động cầu trước. Bằng chứng là người dùng có thể “vặn tẹt ga” núm xoay Drive/Traction trên khu vực yên ngựa, mà khả năng vận hành của xe cũng sẽ không có quá nhiều thay đổi.

Một điểm trừ nhẹ nữa, đó là việc Thaco chỉ cung cấp duy nhất một tùy chọn da nội thất sáng màu trên tất cả các phiên bản của Kia Seltos. Mặc dù cho cảm giác ngồi rất êm mông, tuy nhiên bộ ghế này lại dễ bám bẩn và khó làm sạch hơn các loại chất liệu tối màu.

Tiếp theo, hot chẳng kém gì Kia Seltos chính là Toyota Corolla Cross. Mẫu CUV 5 chỗ như một làn gió tươi mới thổi vào thị trường Việt Nam và xóa bỏ định kiến “xe không có gì để hỏng” – vốn là hình ảnh nhiều người vẫn mường tượng về sản phẩm của một thương hiệu Toyota già cỗi.

Toyota Corolla Cross nổi bần bật giữa tất cả các đối thủ nhờ được trang bị khối động cơ Hybrid lai điện, đi kèm với gói trang bị an toàn chủ động TSS tiên tiến. Tuy nhiên phiên bản được xét tới trong khuôn khổ bài viết chỉ là phiên bản 1.8 G thấp cấp nhất của Corolla Cross và không sở hữu 2 trang bị “hot hit” kể trên. Tuy nhiên không có nghĩa là Toyota Corolla Cross 1.8 G không có gì hấp dẫn. Xe vẫn khoác lên mình một bộ cánh ngoại thất cực kỳ trẻ trung với các đường nét thiết kế khỏe khoắn, năng động khá tương đồng với RAV4 – mẫu offroad cỡ nhỏ cực kỳ được yêu thích tại thị trường Mỹ.

Toyota Corolla Cross được thiết kế dựa trên nền tảng khung gầm TNGA hoàn toàn mới, tuân theo quy chuẩn toàn cầu của hãng xe Nhật Bản. Điểm mạnh của mỗi chiếc Toyota từ trước tới nay vẫn được duy trì trên Corolla Cross 1.8 G, đó là: rộng rãi, thoáng đãng và bền bỉ. Dù chỉ được trang bị khối động cơ Dual VVTi chu trình Atkinson 1.8L cho sức mạnh 138 mã lực và mô men xoắn 172 Nm – không kém cỏi nhưng cũng không quá nổi bật so với các đối thủ, tuy nhiên điểm cộng của hệ truyền động này là khả năng vận hành mượt mà và tiết kiệm nhiên liệu. Đây cũng là những yếu tố làm nên danh tiếng của Toyota bấy lâu nay.

Đánh đổi lại kích thước rộng rãi hơn so với đa phần các đối thủ CUV hạng B (nhiều người đánh giá Corolla Cross nằm ở phân khúc B+ hoặc C – ), phiên bản 1.8 G của xe vẫn thiếu vắng đi đèn pha LED, các cảm biến trước – sau và gói công nghệ hỗ trợ người lái TSS. Tiện ích của xe cũng chỉ nằm ở mức đủ dùng với điều hòa tự động, có cửa gió hàng ghế sau, màn hình giải trí 7,7 inch tích hợp Apple CarPlay / Android Auto…

Cái tên thứ ba được nhắc tới sẽ là Hyundai Kona phiên bản 2.0 AT đặc biệt. Xe được TC Motor giới thiệu lần đầu vào năm 2018. Trải qua 3 năm “chinh chiến” trên dải đất hình chữ S, Kona từng “độc bá” phân khúc, lật đổ ngôi vương của Ford EcoSport.

Tuy nhiên “núi cao thì còn có núi cao hơn”, Hyundai Kona đang tỏ ra lép vế và bị lu mờ bởi hàng loạt cái tên mới “hot hit” vừa xuất hiện trên thị trường vào năm vừa qua – mà điển hình là Kia Seltos và Toyota Corolla Cross mới được đề cập ở bên trên. Bằng chứng là Kona chỉ còn giữ được mức sản lượng kinh doanh nằm trong khoảng 500 xe mỗi tháng – khá khiêm tốn so với các đối thủ. Hiện nay, thị trường cũng đang trông mong TC Motor giới thiệu bản cập nhật facelift cho Kona.

Điểm ưu thế mà Kona vẫn giữ được cho tới thời điểm hiện tại chính là một ngoại hình vô cùng khác biệt. Khó có thể nói thành lời, tuy nhiên thiết kế ngoại thất của Hyundai Kona rất trẻ trung, cá tính và tạo được điểm nhấn với đôi “mắt híp” của dải demi LED và một phần lưới tản nhiệt với kích thước ngoại cỡ. 

Đánh đổi lấy ngoại thất ấn tượng, Hyundai Kona phải hy sinh đi không gian khoang nội thất, nhất là khoảng để chân và trần xe của hàng ghế sau. Cộng hưởng với việc hệ thống treo khá thô cứng để đem lại cảm giác lái thể thao và không có cửa gió hàng ghế thứ hai; những hành khách phải ngồi ở băng ghế sau trên Hyundai Kona để di chuyển trên quãng đường dài khó lòng có thể thoải mái hay nặng lời hơn là bí bách và khá mệt mỏi.

Bỏ qua thiết kế có ưu có nhược của Huyndai Kona, phiên bản 2.0 AT đặc biệt được trang bị khá đầy đủ cho xe, bao gồm: khối động cơ 2.0 hút khí tự nhiên bắt cặp với hộp số tự động 6 cấp, cung cấp sức mạnh 149 mã lực và mô men xoắn cực đại đạt 180 Nm. Có thể nói hệ truyền động này phù hợp với một mẫu crossover cỡ nhỏ như Kona. Nó giúp xe có thể di chuyển lanh lẹ, độ vọt khá cũng như khả năng tăng tốc mượt mà, không trễ nải như các mẫu xe có động cơ turbo.

Phiên bản Kona 2.0 AT đặc biệt được trang bị đầy đủ các tính năng an toàn cơ bản, bao gồm: công nghệ phanh ABS / EBD / BA, cân bằng điện tử (ESC), kiểm soát lực kéo (TCS), khởi hành ngang dốc và hỗ trợ đổ đèo… Hệ thống đèn LED, 6 túi khí, màn hình có Apple CarPlay, tích hợp sẵn cảm biến áp suất lốp… cũng là những trang bị khiến Kona 2.0 đặc biệt giành ưu thế so với các đối thủ.

Tiếp theo, một cái tên rất hot vừa được Thaco ra mắt cách đây không lâu – chính là Peugeot 2008. Sở dĩ cái tên này không phải là Mazda CX-30 được giới thiệu gần đây nhất, bởi lẽ phiên bản rẻ nhất của CX-30 cũng có giá lên tới 839 triệu đồng – hoàn toàn nằm ngoài khuôn khổ xe gầm cao 700 triệu của bài viết này. Và cũng theo ý kiến của nhiều chuyên gia tại thị trường Việt Nam, Thaco set mức giá của CX-3 và CX-30 cũng như chọn phân phối nhập khẩu chỉ là động thái để “thăm dò thị trường” theo kiểu nếu có hot thì đưa về lắp ráp để cạnh tranh, còn không hot thì để đó cho dải sản phẩm Mazda được đầy đủ và đẹp mắt – chẳng mất gì.

Quay lại với Peugeot 2008, ưu thế và cũng là giá trị lớn nhất của xe nằm ở phần đầu xe – vâng, tôi đang nói tới logo chú sư tử Pháp kiêu hãnh. Ra đời sau thế hệ đàn anh 3008 và 5008, Peugeot 2008 được thừa hưởng thế hệ thiết kế mới có thể miêu tả không hề ngắn gọn là: trẻ trung, hiện đại, sắc sảo, táo bạo và cá tính.

Thân xe được thiết kế góc cạnh và bề thế nhất là phần đầu xe, tạo cảm giác hoành tráng khi nhìn vào, dù thực sự kích thước của 2008 chỉ tương đương EcoSport hay Kia Setos. Cụm đèn trước nổi bật với dải demi LED đặt dọc, lấy cảm hứng từ nanh sư tử thực sự ấn tượng. Mặt ca-lăng kích thước lớn, với hoạ tiết lưới tản nhiệt dạng kim cương tôn lên vẻ sang trọng của xe. Kiểu thiết kế cột C – D sơn đen trùng màu cửa sổ tạo hiệu ứng thị giác trường xe.

Điểm mạnh thiết kế không chỉ ở ngoại thất mà còn được các kỹ sư Pháp duy trì trong khoang nội thất của Peugeot 2008. Xe được trang bị màn hình trung tâm nằm ngang to – đẹp – hiện đại, đặt nổi trên bảng táp-lô. Cụm phím chức năng điều hoà dạng piano và bộ ghế da tạo cảm giác cao cấp cho khoang nội thất. Trong khi đó, bảng đồng hồ phong cách i-Cockpit và vô-lăng vát 2 cạnh trên dưới, mô phỏng thiết kế khoang điều khiển máy bay, giúp cho khu vực người lái của Peugeot nói chung và 2008 nói riêng thực sự khác biệt và ấn tượng. Vẻ đẹp này không mềm mại, nhưng thực sự thu hút bởi nó tạo được không khí hiện đại, tương lai và có đôi phần viễn tưởng cho xe.

Một chi tiết dễ thấy là tất cả các cụm phím điều khiển chức năng, bảng đồng hồ, tay lái, cần số trên yên ngựa và cả màn hình trung tâm đều được thiết kế hướng về người lái. Kiểu thiết kế công thái học này giúp tài xế tiếp cận và điều khiển các chức năng một cách đơn giản, dễ dàng; từ đó bớt xao nhãng khi cầm lái. Không ngoa khi nói kiểu thiết kế này giúp xe vận hành an toàn và xét trên khía cạnh an toàn, đây hoàn toàn có thể được coi như một tính năng, mà không mấy hãng xe phổ thông hiện nay quan tâm.

Với giá bán 739 triệu đồng, Peugeot 2008 phiên bản Active vẫn được trang bị khối động cơ Puretech 1.2L có turbo, cho công suất 133 mã lực và tới 230 Nm lực kéo mô men xoắn. Xe vẫn có 4 chế độ lái. Các tính năng bị cắt so với bản GT Line là hầu hết gói an toàn chủ động, bao gồm: cruise control, giới hạn tốc độ, hỗ trợ giữ làn, nhận diện biển báo, phanh chủ động, cảnh báo điểm mù, nhắc nhở người lái tập trung… Ngoài ra Peugeot 2008 Active còn thiếu vắng cả bộ đèn LED tự động, cảm biến trước, gạt mưa tự động… Xét trên khía cạnh giá bán thì option trên 2008 Active chỉ tạm đủ dùng chứ không thừa thãi như một điểm mạnh. Khách hàng thực sự “máu xuống tiền” sẽ chỉ là những người thực sự yêu thích vẻ đẹp duy mỹ và thương hiệu Peugeot đậm chất Pháp.

Và cái tên cuối cùng sẽ được nhắc tới trong bài viết này, chính là “cựu binh” Ford EcoSport phiên bản 1.0 Titanium có giá lẻ đề xuất 686 triệu đồng. Với lịch sử ra mắt vào năm 2012 và được giới thiệu lần đầu tại Việt Nam năm 2014, EcoSport đã nắm giữ tới 7 năm “chinh chiến” tại dải đất hình chữ S. Mẫu xe này được coi là người “khai đường mở lối” cho phân khúc xe đô thị gầm cao nói riêng và crossover cỡ nhỏ nói chung (sau Suzuki Vitara).

Trong suốt 7 năm kinh doanh, Ford EcoSport đã trải qua nhiều bản nâng cấp facelift nhưng chưa một lần nhận được bản cập nhật lớn all-new nào. Thực chất, EcoSport vẫn đang ở thế hệ thứ 2 (thế hệ đầu tiên ra mắt tại Mexico năm 2003). Và dường như thương hiệu xe Mỹ không mấy mặn mà với việc tung ra phiên bản mới cho mẫu xe này. 

Phiên bản 1.0 Titanium cao cấp nhất sử dụng động cơ turbo, đảm bảo khả năng tiết kiệm nhiên liệu nhưng khi cần sức mạnh tức thời, ví dụ như vượt xe trên cao tốc, thì bạn phải thực sự lựa chân, đồng thời khoang máy cũng sẽ phản hồi lại theo hướng khá “gào thét”. Một điểm rất khó hiểu nữa là trên phiên bản 2021, ngoài việc “bỏ đeo ba lô” (lốp dự phòng) cho xe, Ford EcoSport còn bị cải lùi từ phanh đĩa 4 bánh sang cấu hình 2 phanh tang trống bánh sau và chỉ có phanh đĩa ở 2 bánh trước.

Trên phiên bản cao cấp này, xe cũng không được trang bị đèn pha LED, cảnh báo điểm mù, cảm biến áp suất lốp… để cạnh tranh trang bị với các đối thủ. Tuy nhiên bù lại, giá bán thực tế của Ford EcoSport cũng đang thấp hơn vài chục triệu đồng so với giá đề xuất, tức là chỉ khoảng hơn 600 triệu đồng. Doanh số hàng tháng cũng cho thấy “cựu vương” này thực sự đã đuối sức và bị lu mờ bởi Hyundai Kona; còn gần đây là hàng loạt cái tên hot hit khác.

Như vậy với một “cục tiền” 700 triệu trong tay, bạn sẽ chọn gì? – Toyota Corolla Cross với “mác Nhật” bền bỉ – thiết kế tươi mới, Hyundai Kona với cảm giác lái hứng khởi, Kia Seltos với khả năng phục vụ gia đình cực kỳ “ổn áp”, Peugeot 2008 với nội ngoại thất bắt mắt hay Ford EcoSport vốn đã khẳng định được mình qua ngót nghét chục năm có mặt trên thị trường ? – câu trả lời, tất nhiên vẫn nằm trong tay người xuống tiền.

Từ xehay.vn/mua-duoc-xe-gam-cao-nao-tai-viet-nam-voi-700-trieu-trong-tay.html

Bài viết tương tự

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *