Tập tính tai hại của loài chuột
Họ nhà chuột trên khắp hành tinh chúng ta hết sức đông đảo, đa dạng. Các nhà sinh học và nông học đã ước tính chúng có khoảng 450 loại, bao gồm trên 20 họ. Ở nước ta, chúng đã có hàng trăm loại, hàng chục họ khác nhau.
Chuột thuộc loài động vật có vú, bộ gặm nhấm. Chúng không chỉ đa chủng loại mà số lượng lại rất lớn, dễ thích nghi với mọi điều kiện tự nhiên nên sự phân bố “cư dân” rất rộng lớn, dường như không ở đâu không có chuột. Thêm nữa, chúng không hề cần việc “sinh đẻ có kế hoạch”.Tuy tuổi thọ của chuột ngắn – nói chung chuột thường chỉ sống 1-2 năm, có con 2-3 năm; riêng chuột hoang sống quá 6 năm, rái cạn sống tối đa 9 năm – nhưng mức sinh sản của chúng thì thật phi thường, tạo ra dòng giống đông “ngập tràn lãnh thổ”.
Theo khảo sát, chỉ trong 1 năm, một cặp chuột cống gây ra cả một bầy đàn con, cháu, chắt, chít cộng lại có thể tới 15.552 con! Nguyên do là chuột phát dục nhanh, số lần đẻ nhiều, thời gian mỗi lừa đẻ ngắn, số con mỗi lần đẻ đông. Ở điều kiện bình thường, chuột cống loại có thân hình tương đối nhỏ, có thể đẻ 2 – 8 lứa/năm; 20 ngày tuổi là mở mắt là có thể rời mẹ để sống độc lập. Và chuột cống 2 – 3 tháng tuổi là có thể bắt đầu mang thai (bầu) rồi. Phần lớn các giống chuột đẻ quanh năm, cả mùa khô và mùa mưa. Nhưng một số ít giống chuột chỉ sinh sản vào mùa Xuân và mùa Thu thời tiết ấm, mát. Trong số này, chuột hoang, rái cạn, chuột nhảy sống ở đồi hoang, đồng cỏ, sa mạc thì sức sinh sản thấp, chỉ đẻ mỗi năm 1 lần, và mỗi lần đẻ từ 2 đến 8 con.Chuột có nhiều đặc điểm và tập tính. Chúng tôi chỉ nói tới một đặc điềm và tập tính tiêu biểu, cũng là cái tạo nên nguyên nhân gây hại của nó.
Ta đã biết, chuột là loài gặm nhấm. Chúng có thói quen gặm nhấm mọi thứ cây trồng, đồ dùng trong nhà ở bất cừ nơi nào nó cư trú, hoạt động. Đó là vì răng cửa chuột không ngừng mọc dài ra. Người ta thí nghiệm, đo đạc thì thấy rằng, mỗi năm răng cửa trên của chuột, cụ thể là chuột trắng trưởng thành, có thể dài ra trung bình 114,3 mm; còn răng cửa dưới dài ra trung bình 1.146,1mm. Cứ đà ấy, con chuột sẽ chết vì không sao ăn uống được. Nếu chỉ đào hang, rũi đất, nhấm hạt ngũ cốc dù răng có mài mòn đáng kể vẫn không triệt tiêu được tốc độ dài ra của răng cửa ấy. Vậy chuột phải gặm nhấm. Chúng gặm, phá mọi thứ từ cây, củi gỗ đến đồ dùng của chúng ta, kể cả đồ gia bảo. Gặm đồ cứng, tất yếu có răng bị mẻ gãy. Không sao, tế bào gốc răng của chuột sinh trưởng mạnh, liên tục, không ngừng tạo những tế bào và men răng mới bù đắp phần răng bị sứt mẻ kia rất mau chóng.
Đồ dùng của chúng ta xưa nay vẫn là “vật mài răng” của chuột. Biết bao sản phẩm thông dụng sản phẩm thủ công cao cấp quý giá của cá nhân, của dân tộc bị chuột “tấn công”, phá hủy, gây nên sự mất mát lớn rất đáng tiếc. Căm ghét chuột gây hại, nhưng ta nên hiểu sự thật là chuột không ý thức việc ấy, chúng chỉ “mượn” các vật của chúng ta để “mài răng” thôi! Có của thì giữ – cái anh chàng chuột nếu biết nói hơn sẽ lí sự với chúng ta như thế. Vâng, tôi phải giữ của cải của tôi, nguồn sống của chúng tôi. Dù có điềm tĩnh trả lời như vậy, chúng tôi vẫn phải có biện pháp hữu hiệu để phòng chống lũ xâm lăng kia ấy là phòng bằng rương hòm tốt để đựng đô ăn thức dùng, là chống bằng một cạm bẫy,tinh dầu đuổi chuột, bả….diệt chuột.